Explorer là mẫu xe thể thao đa dụng được Ford sản xuất từ năm 1991 đến nay, đã trải qua 5 thế hệ và là một trong những mẫu SUV rất thành công của Ford ở thị trường Bắc Mỹ. Với 4 thế hệ đầu (từ 1991 đến 2010), Ford Explorer có cấu trúc khung thân của một chiếc SUV truyền thống, kiểu body-on-frame. Từ thế hệ thứ 5 (2011) trở đi, Ford thay đổi cấu trúc cho Explorer thành dạng crossover SUV với cấu trúc unibody hiện đại và điều này đặt Explorer nằm trong phân khúc crossover SUV 3 hàng ghế (7 hoặc 8 chỗ), cạnh tranh với một số mẫu xe khác như Toyota Highlander, Honda Pilot, Nissan Pathfinder, Chevrolet Traverse, Dodge Durango…
Trong khi đó, Toyota Land Cruiser Prado (gọi tắt Prado) là một mẫu SUV, đã trải qua 4 thế hệ kể từ năm 1990 đến nay. Đáng chú ý, Prado đến hiện tại vẫn có cấu trúc của dòng xe SUV truyền thống kiểu body-on-frame. Từ năm 2014, Prado được bán ở mọi thị trường của Toyota, ngoại trừ Mỹ, Canada, Mexico và Hàn Quốc. Riêng thị trường Bắc Mỹ, thay cho Prado là “người anh em” 4Runner dùng chung khung sàn.
Như vậy, về mặt cấu trúc, Ford Explorer từ thế hệ thứ 5 không còn cạnh tranh trực tiếp với Toyota Prado ở nhiều thị trường thế giới. Explorer thiên về một chiếc xe 7 chỗ tiện nghi cao cấp, trong khi đó Prado nổi trội hơn về khả năng đi địa hình nhờ cấu trúc body-on-frame.
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam hiện nay, Explorer và Prado lại được xem là hai đối thủ của nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn của khách hàng.
Ford Việt Nam bán duy nhất một phiên bản Explorer Limited nhập khẩu nguyên chiếc với mức giá 2,18 tỉ đồng, và Toyota Việt Nam cũng bán duy nhất một phiên bản LC Prado TX-L nhập khẩu nguyên chiếc với mức giá 2,167 tỉ đồng, tức 2 chiếc xe đang chênh lệch nhau 13 triệu đồng về giá bán tiêu chuẩn.
Có một vài lý do khá rõ ràng lý giải vì sao Explorer và Prado cạnh tranh với nhau ở Việt Nam. Thứ nhất, Explorer và Prado đều là 2 chiếc xe đa dụng gầm cao 7 chỗ ngồi với không gian rộng rãi và kích thước chênh nhau không nhiều. Thứ hai, mức giá của 2 xe coi như ngang ngửa nhau ở khoảng gần 2,2 tỉ đồng. Thứ ba, đây là 2 mẫu xe được nhập khẩu nguyên chiếc, phân phối chính hãng với chính sách bảo hành đầy đủ, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Thứ tư và cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến việc 2 mẫu xe này cạnh tranh nhau, ở chỗ đặc thù của khách hàng Việt Nam khi sử dụng xe Prado. Ở nhiều thị trường quốc tế khác, chiếc Prado được tận dụng triệt để những lợi thế vượt trội về khả năng off-road của xe, như đi đường tuyết, các vùng đồi núi địa hình khó. Trong khi ở Việt Nam, Prado vốn lại được nhiều khách hàng chọn sử dụng như một mẫu xe đẳng cấp, tần suất đi lại chủ yếu ở môi trường thành thị, ngoại ô, quốc lộ, vùng cao và nói chung là đường on-road. Khả năng offroad thực thụ của Prado gần như bị “lãng quên”.
Bởi lẽ đó, chúng tôi cũng đưa 2 chiếc Explorer và Prado lên “bàn cân”, so sánh ở các phương diện thiết kế, nội thất, tiện nghi trang bị, công nghệ và khả năng vận hành trên đường onroad, chứ không thử với các bài vượt địa hình phức tạp (offroad).
Thiết kế của Ford Explorer và Toyota Prado khác nhau rõ rệt. Chiếc crossover SUV của người Mỹ có phong cách vuông vức, hiện đại và sang trọng hơn, trong khi chiếc SUV của người Nhật mang đậm phong cách mạnh mẽ của một chiếc xe việt dã, nhưng với những đường nét khá mềm mại. Explorer nhỉnh hơn Prado về mặt kích thước, từ trục cơ sở cho đến chiều dài và rộng, tuy nhiên Prado có khoảng sáng gầm xe cao hơn đem đến khả năng vượt chướng ngại vật tốt hơn.
Explorer sử dụng bộ mâm lốp 255/50R20 cho đường hỗn hợp và Prado sử dụng bộ mâm lốp 265/60R18 tốt hơn cho đi địa hình.
Bảng so sánh thông số kỹ thuật cơ bản của 2 mẫu xe:
Thông số |
Ford Explorer Limited |
Toyota Land Cruiser Prado TX-L |
Giá bán (đã VAT) |
2,18 tỉ đồng |
2,167 tỉ đồng |
Kích thước (DxRxC)mm |
5037 x 2005 x 1813 |
4780 x 1885 x 1845 |
Chiều dài cơ sở |
2.866 |
2790mm |
Khoảng sáng gầm |
198mm |
220mm |
Trọng lượng không tải |
2.052kg |
2.080kg |
Động cơ |
Xăng, tăng áp EcoBoost, I4 GTDi, 2261cc, |
Xăng, I4, 2694cc, Dual VVT-i |
Công suất |
273PS/5.500v/ph |
166PS/5.200v/ph |
Mô-men xoắn |
420Nm/3.000v/ph |
246Nm/4.000v/ph |
Tỉ lệ công suất/trọng lượng |
7,52 kg/PS |
12,53 kg/PS |
Hộp số |
Tự động 6 cấp, chế độ thể thao S, lẫy số vô-lăng |
Tự động 6 cấp, chế độ thể thao S |
Hệ dẫn động |
2 cầu AWD |
2 cầu AWD (3 chế độ: H4F, H4L, L4L) |
Chế độ off-road |
4 chế độ offroad – Terrain Management System |
không |
Hệ thống treo trước/sau |
MacPherson, thanh cân bằng, ống giảm chấn/Đa liên kết, thanh cân bằng, ống giảm chấn |
Độc lập tay đòn kép/Liên kết 4 điểm |
Vô-lăng |
Trợ lực điện EPAS |
Trợ lực thủy lực |
Lốp xe |
255/50R20 |
265/60R18 |
Phanh trước/sau |
Đĩa/Đĩa |
Đĩa/Đĩa |
Trước khi bước vào khoang nội thất, cửa hậu là chi tiết cho thấy Explorer hơn hẳn Prado về tính tiện nghi. Ford trang bị cho Explorer cửa hậu chỉnh điện với chức năng rảnh tay, đóng mở cửa bằng thao tác đá chân hiện đại. Prado vẫn có cửa hậu đóng mở bằng tay và bản lề đứng ở bên phải để đóng mở cửa theo phương ngang.
Bên trong xe, cả Explorer và Prado đều có cách bố trí 3 hàng ghế với 7 chỗ ngồi thực sự rộng rãi, thích hợp cho một chiếc xe gia đình cao cấp, tiện nghi. Hàng ghế thứ 2 và 3 của cả 2 xe đều có thể gập phẳng để tạo nên không gian rất rộng cho chứa đồ đạc hàng hóa cỡ lớn khi cần thiết. Đáng chú ý là 2 ghế độc lập hàng thứ 3 của Explorer điều chỉnh gập lên xuống bằng điện thông qua nút bấm, trong khi ở Prado là chỉnh tay.
Thiết kế nội thất của Ford Explorer mang phong cách sang trọng, tinh tế, các ghế ngồi và cửa xe bọc da màu beige ấm áp, cùng với cửa sổ trời toàn cảnh panorama chỉnh điện tạo nên sự thông thoáng. Vốn là một chiếc SUV có khả năng off-road, Prado khác biệt ở chỗ bố trí rất nhiều tay nắm trong xe để hành khách có thể cầm nắm chắc chắn khi xe bị lắc giật mạnh lúc qua các địa hình hiểm trở. Phong cách thiết kế của Prado cũng “gồ ghề” và mạnh mẽ thấy rõ chứ không sang trọng tinh tế như Explorer. Các ghế ngồi ở Prado được bọc da màu đen tương phản với trần xe trắng sáng.
Ở nhiều thị trường quốc tế, Toyota trang bị cho Prado tương đối đầy đủ các trang bị công nghệ hiện đại hỗ trợ việc lái xe cũng như an toàn, song phiên bản Prado TX-L được phân phối tại Việt Nam lại thiếu vắng khá nhiều công nghệ hiện đại và điều này làm giảm đáng kể giá trị khi xem xét trên phương diện là một mẫu xe 7 chỗ tiện nghi cao cấp. Có lẽ 2 trang bị ít ỏi mà Prado qua mặt Explorer là hệ thống điều hòa tự động 3 vùng độc lập và ngăn lạnh tích hợp ở bệ tì tay giữa hai ghế trước (trên Explorer là điều hòa tự động 2 vùng độc lập và không có ngăn lạnh).
Chúng tôi liệt kê chi tiết thì thấy rằng Ford Explorer sở hữu một danh sách dài các trang bị công nghệ tiện ích mà Prado không có, như bảng dưới đây:
Thông số |
Ford Explorer Limited |
Toyota Land Cruiser Prado TX-L |
Vô-lăng |
Chỉnh điện 4 hướng |
Chỉnh tay 4 hướng |
Ghế trước |
Ghế lái và hành khách chỉnh điện 8 hướng, chức năng massage |
Ghế lái chỉnh điện 10 hướng, ghế hành khách chỉnh điện 4 hướng |
Hàng ghế thứ 2 |
Gập 40:60, dịch chuyển lên xuống ở phần 40 |
Gập 40:20:40, dịch chuyển lên xuống |
Hàng ghế thứ 3 |
Gập phẳng 50:50, chỉnh điện |
Gập phẳng 50:50, chỉnh tay |
Cửa hậu |
Mở lên xuống, chỉnh điện, rảnh tay bằng thao tác đá chân |
Mở ngang, chỉnh tay |
Cửa sổ trời |
Toàn cảnh panorama, chỉnh điện |
Không |
Chìa khóa thông minh và khởi động bằng nút bấm |
Có |
Không |
Điều hòa nhiệt độ |
Tự động 2 vùng độc lập |
Tự động 3 vùng độc lập |
Hộp lạnh |
Không |
Có |
Hệ thống âm thanh giải trí |
Cao cấp của Sony, 12 loa, 500w |
Loại thường, 9 loa |
Giải trí hàng ghế sau |
DVD 2 màn hình |
Không |
Điều khiển giọng nói |
SYNC 3 |
Không |
Điều khiển hành trình |
Có, điều chỉnh tốc độ |
Không |
Camera lùi |
Có |
Có |
Camera trước |
Camera 180 độ |
Không |
Cảm biến hỗ trợ đỗ xe |
Trước và sau |
Sau |
Hệ thống đỗ xe tự động |
Có |
Không |
Hệ thống cảnh báo điểm mù |
Cảnh báo điểm mù kết hợp cảnh báo xe cắt ngang |
Không |
Hệ thống Kiểm soát áp suất lốp |
Có |
Không |
Hệ thống cảnh báo chệch làn đường |
Cảnh báo chệch làn, hỗ trợ duy trì làn đường |
Không |
An toàn chủ động khác |
ABS, EBD, ESP, AdvanceTrac |
ABS, BA, EBD, ESP, TCS |
Hỗ trợ khởi hành ngang dốc |
Có (HLA) |
Không |
Hỗ trợ xuống dốc |
Có (HDA) |
Không |
Để đánh giá về khả năng vận hành của 2 chiếc xe, nhóm PV Xedoisong.vn đã tiến hành một bài thử slalom, tức chạy zigzag qua cọc tiêu với việc đổi hướng lái liên tục. Mỗi cọc tiêu cách nhau khoảng 20 mét, nghĩa là gấp khoảng 4 lần chiều dài của chiếc Explorer. Bài thử slalom cho thấy Explorer có khả năng vào cua tốt hơn, bám đường tốt hơn và độ chao nghiêng thân xe ít hơn, đồng thời vô-lăng trợ lực điện cũng nhẹ nhàng linh hoạt hơn rất nhiều. Chiếc Prado với gầm cao hơn, rõ ràng bất lợi về khả năng vào cua. Prado có độ chao nghiêng thân xe lớn khi đổi lái liên tục, vô-lăng trợ lực thủy lực nặng nề và kém linh hoạt. Chiếc Explorer có thể qua các cọc tiêu ở vận tốc 60km/h trong khi Prado chỉ đạt 50km/h là ngưỡng tới hạn.
Khi so sánh cấu hình động lực, Ford Explorer vượt trội hơn hẳn so với Toyota Prado. Ford trang bị cho Explorer động cơ tăng áp I4 2.3L EcoBoost dung tích nhỏ hiệu suất cao, đạt công suất 273 mã lực tại 5.500 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 420Nm tại 3.000 vòng/phút, kết hợp hộp số tự động 6 cấp và dẫn động 4 bánh. Trong khi đó, Toyota Prado sử dụng động cơ nạp khí tự nhiên, I4 2.7L công suất 166 mã lực tại 5.200 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 246Nm tại 4.000 vòng/phút, kết hợp hộp số tự động 6 cấp và dẫn động 4 bánh.
Xét về tỉ lệ trọng lượng/công suất, Ford Explorer đạt 7,52kg/mã lực trong khi của Prado tới 12,53kg/mã lực. Đây là một sự chênh lệch quá lớn và rõ ràng cho thấy Explorer tối ưu hơn nhiều, cũng như khả năng vận hành tốt hơn, tăng tốc tốt hơn và linh hoạt nhẹ nhàng hơn.
Khi chạy trên quốc lộ hay cao tốc, Ford Explorer có cảm giác lái nhẹ nhàng, vô-lăng trợ lực điện nhạy và chuẩn xác, động cơ duy trì ở vòng tua thấp, nhấn nhẹ chân ga là xe đã có thể tăng tốc mạnh mẽ, hệ thống treo xử lý tốt và mềm mại. Toyota Prado có cảm giác lái cứng và nặng hơn đáng kể do vô-lăng trợ lực thủy lực, động cơ yếu và thường phải hoạt động ở vòng tua cao hơn mỗi khi cần tăng tốc.
Sau thời gian trải nghiệm thực tế 2 mẫu xe Ford Explorer và Toyota Prado trong cùng những điều kiện hoạt động tương đồng nhau, xem xét các góc độ về thiết kế, trang bị tiện ích và công nghệ, đặc biệt là nhu cầu sử dụng của một mẫu xe đa dụng gầm cao 7 chỗ rộng rãi cao cấp với nhu cầu đi lại chủ yếu trong thành thị hay những hành trình xa hơn tới các tỉnh thành, dù cho gia đình hay công việc, Ford Explorer đã cho thấy sự hơn hẳn Prado về hầu hết các phương diện, nhất là khả năng vận hành và trang bị công nghệ tiện ích.
Phản ứng của thị trường chính là câu trả lời xác đáng nhất. Nếu trong năm 2016, Toyota Prado đạt doanh số 1.011 xe, tức trung bình hơn 84 xe/tháng, thì sang năm 2017 khi mà Ford bắt đầu bán Explorer ra thị trường, doanh số Prado bị sụt giảm rõ rệt. Trong 7 tháng đầu năm 2017, Toyota bán được 347 chiếc Prado, tức gần 50 xe/tháng. Trong khi đó, Ford bán được 809 chiếc Explorer, tức trung bình hơn 115 xe/tháng.